Tổng quan
Sỏi đường tiết niệu là một trong các bệnh lý phổ biến hiện nay là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn trên toàn thế giới. Tỉ lệ sỏi đường tiết niệu cao ở những vùng khí hậu nóng và khô, ở Việt Nam là nước nằm trong vùng vành đai sỏi của thế giới, tỉ lệ sỏi gặp từ 2-12% dân số tùy theo vùng.
Hiện nay sự phát triển của các kỹ thuật can thiệp giúp cải thiện đáng kể chất lượng điều trị sỏi thận. Các phương pháp điều trị ít sang chấn như tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL), tán sỏi thận qua nội soi ngược dòng (RIRS), tán sỏi thận qua da (Mini PCNL) có bước phát triển đột phá cho phép điều trị sỏi thận an toàn, hiệu quả và dần dần thay thế phương pháp phẫu thuật mở kinh điển. Cùng với sự phát triển của các phương tiện và kỹ thuật, phẫu thuật lấy sỏi qua da đường hầm nhỏ (mini-PCNL) ra đời với đường hầm vào thận 12-20 Fr giúp giảm thiểu được các biến chứng của phẫu thuật tán sỏi thận qua da tiêu chuẩn với đường hầm 24 – 30 Fr.
Chỉ định, chống chỉ định:
Lấy sỏi thận qua da (PCNL) là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh nhân có sỏi lớn (sỏi lớn, sỏi> 2 cm, hoặc nhiều sỏi từ 1 đến 2 cm), sỏi cực dưới> 1 cm, sỏi trong túi thừa đài thận, hoặc những điều trị thất bại bằng nội soi niệu quản hoặc tán sỏi bằng sóng xung kích.
Chống chỉ định tuyệt đối bao gồm: nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị, rối loạn đông máu chưa được điều chỉnh. Bệnh nhân có thai, khối u trong vùng tiếp cận sỏi, khối u thận ác tính.
Các bước tiến hành
Phẫu thuật được thực hiện qua 4 bước chính:
– Chọc đài thận.
– Nong tạo đường hầm vào thận.
– Nội soi để tiếp cận, phá vỡ sỏi và lấy ra ngoài.
– Dẫn lưu thận sau lấy sỏi.

Tai biến, biến chứng:
Chảy máu: tỷ lệ truyền máu 5-15% chảy máu xảy ra khi thời gian mổ kéo dài, nhiều đường vào thận cùng lúc hoặc khi tán sỏi lớn ( nhất là sỏi san hô). Chảy máu nặng phải can thiệp lại cầm máu, thường hiếm chỉ 0,8%.
Tổn thương các tạng lân cận:
– Tổn thương phổi- màng phổi khi vào từ đài trên: nếu đường vào trên sườn 12 tỷ lệ tai biến khoảng 11%, nếu đường vào trên xương sườn 11 tỷ lệ tai biến khoảng 23% so với 0,5% nếu vào từ dưới sườn 12.
– Đại tràng: tỷ lệ tổn thương khoảng 0,5%. Thủng đại tràng ít khi phát hiện được trong mổ, thường phát hiện muộn sau mổ( sốt, tiểu ra hơi, tiểu ra phân hoặc triệu chứng viêm phúc mạc).
– Thủng tá tràng rất hiếm
Hẹp cổ đài sau lấy sỏi qua da:
Tỷ lệ khoảng 2%, yếu tố nguy cơ gồm: sỏi lớn, thời gian mổ kéo dài, sau mổ phải tán sỏi ngoài cơ thể nhiều lần, dẫn lưu thận để lâu, chọc vào thận từ đài trên.
Nhiễm trùng niệu:
Tỷ lệ nhiễm trùng niệu sau lấy sỏi qua da khoảng 1,3 đến 2%. Tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng sau lấy sỏi qua da khoảng 0,8%.
Hấp thu nước vào nội mạch:
Trong lấy sỏi thận qua da, bệnh nhân phải hấp thu vào cơ thể từ 0,5 đến 1 lít nước tưới rửa trong mổ. Nước tưới rửa ( nước muối sinh lý) có thể hấp thu ngược ngược vào nội mạch nhất là khi áp lực nước tưới rửa trên 20-30 mm Hg. Hậu quả sẽ đưa đến rối loạn điện giải, nhiễm trùng niệu hoặc hạ nhiệt sau mổ.