Giới thiệu về điện cơ đồ ( Electromyography)
Điện cơ đồ (Electromyography- EMG) là một kỹ thuật y học chẩn đoán điện để đánh giá và ghi lại hoạt động điện được tạo ra bởi cơ. EMG được thực hiện bằng cách sử dụng một dụng cụ gọi là máy đo điện cơ để tạo ra một bản ghi gọi là điện cơ đồ. Máy đo điện cơ phát hiện điện thế được tạo ra bởi các tế bào cơ khi các tế bào này được kích hoạt bằng điện hoặc thần kinh. Khi đo điện cơ, các bác sĩ sẽ sử dụng các thiết bị rất nhỏ gọn là các điện cực để dẫn truyền và phát hiện các tín hiệu điện này. Đồng thời, các điện cực bằng kim châm sẽ châm trực tiếp vào bắp cơ để ghi lại hoạt động của cơ đó. Kết quả ghi điện cơ có thể giúp bác sĩ nhận thấy các bất thường về thần kinh hay cơ hoặc dẫn truyền của nơi tiếp xúc thần kinh và cơ.
Lợi ích của đo điện cơ
Lợi ích của đo điện cơ là giúp đánh giá chức năng của các dây, rễ thần kinh ngoại vi, khớp thần kinh – cơ và các cơ mà các tổn thương này ở ngoại biên và các mức độ mà các kĩ thuật chẩn đoán khác không đánh giá được. Đồng thời nó giúp bác sĩ chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt bản chất tổn thương sợi trục hay tổn thương phối hợp, tế bào thần kinh vận động, myelin và chẩn đoán định khu, tiên lượng bệnh để từ đó xác định nguyên nhân của bệnh và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Một số bệnh mà điện cơ là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán như định khu tổn thương dây thần kinh do chấn thương hoặc do chèn ép, bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường, hội chứng Guilliane –Barré, bệnh viêm đa rễ dây thần kinh mất myelin mạn tính (CIDP), bệnh Neuron vận động….
Bạn sẽ được chỉ định đo điện cơ khi có các triệu chứng sau:
– Tê tay chân
– Đau cơ hay vọt bẻ
– Rối loạn cảm giác ở da như châm chích hay nóng hay giảm cảm giác…
– Teo cơ khu trú hay lan tỏa hay yếu chi
– Đau mỏi cổ hay thắt lưng
– Giảm hay tăng cảm giác nửa mặt, méo miệng , mắt nhắm không kín…
* Các bệnh được chỉ định đo điện cơ:
– Hội chứng ống cổ tay:
– Bệnh thần kinh gian cốt trước
– Bệnh thần kinh trụ tại khuỷu tay
– Bệnh thần kinh trụ tại cổ tay
– Bệnh thần kinh quay
– Bệnh thần kinh mác
– Bệnh lý rễ cổ
– Bệnh rễ thắt lưng cùng
– Bệnh đa dây thần kinh
– Bệnh thần kinh đùi
– Bệnh đám rối cánh tay
– Đám rối thắt lưng cùng
– Bệnh teo cơ do Đái tháo đường
– Bệnh thần kinh đùi
– Hội chứng ống cổ chân
– Bệnh cơ ( viêm đa cơ, viêm da cơ )
– Hội chứng nhược cơ hoặc bệnh nhược cơ
– Liệt chu kì ( hạ Kali, tăng Kali hoặc Kali bình thường)
– Xơ cứng cột bên teo cơ.
– Hội chứng sau bại liệt (POSTPOLIO SYNDROMES) .
– Bệnh bàn chân rũ.
– Test thần kinh thực vật .
– Các bệnh một hay nhiều dây thần kinh do chấn thương, theo dõi trước và sau phẫu thuật nối dây thần kinh .
– Đau dây V hay liệt dây VII
– Điện cơ kim cơ vòng hậu môn.
* Chuẩn bị trước khi đo điện cơ
Để thực hiện phương pháp đo điện cơ, người bệnh cần phải vệ sinh tay chân thật sạch sẽ và được các bác sĩ giải thích về các bước tiến hành. Đối với trẻ em thì cần chuẩn bị trước tâm lý, hướng dẫn trẻ phối hợp trong quá trình đo điện cơ.
*Quy trình ghi điện cơ đồ và đo tốc độ dẫn truyền của dây thần kinh diễn ra như sau:
Đo tốc độ dẫn truyền của dây thần kinh vận động và cảm giác
Bước 1: Đặt điện cực bề mặt đặt tại vị trí khối cơ có dây thần kinh thăm dò chi phối.
Bước 2: Kích thích vào các điểm dọc theo đường đi của dây thần kinh.
Bước 3: Tính tốc độ dẫn truyền của dây thần kinh.
Ghi điện cơ đồ bằng điện cực kim
Bước 1: Người bệnh nằm ở tư thế giãn cơ.
Bước 2: Nhân viên y tế tiến hành sát trùng vùng da cần khảo sát bằng điện cực kim.
Bước 3: Tiến hành cắm điện cực kim xuyên qua da vào cơ, rồi đâm kim từng nấc một nhằm khảo sát các hoạt động điện do kim đâm gây ra. Để kim nằm im trong khi bắp cơ đang thư giãn hoàn toàn (không co cơ), nhằm tìm các hoạt động điện tự phát của cơ đó nếu có.
Tại thời điểm này, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh co cơ một cách nhẹ nhàng và để các đơn vị vận động phát xung rời rạc, khảo sát hình ảnh của từng điện thế của đơn vị vận động và yêu cầu người bệnh co cơ mạnh dần lên để khảo sát hiện tượng kết tập của các đơn vị vận động, cho tới mức người bệnh co cơ tối đa để xem hình ảnh giao thoa của các đơn vị vận động.
Sau khi đo điện cơ, người bệnh có thể cảm thấy hơi tê hoặc có những vết châm kim, tuy nhiên, những vết này sẽ mờ dần và mất như vết lấy máu. Dựa vào kết quả khảo sát, bác sĩ sẽ phân tích và đưa ra bản kết quả với người bệnh. Nếu có vấn đề bất thường thì có thể sẽ phải tiến hành thêm các xét nghiệm khác.

Từ tháng 11/2019, bệnh viện Đại học Y Dược – Hoàng Anh Gia Lai đã triển khai kĩ thuật đo điện cơ với sự hỗ trợ của bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. Với kĩ thuật mới này sẽ tạo điều kiện để mở rộng chẩn đoán và điều trị các bệnh lý thần kinh cơ và các bệnh lý chấn thương chỉnh hình được chính xác và hiệu quả hơn. Về phía bệnh nhân sẽ không phải vào tận thành phố Hồ Chí Minh để làm điện cơ chẩn đoán một số bệnh lý thần kinh, sẽ tiết kiệm được thời gian và công sức của quý vị.