Sỏi niệu là một bệnh chuyển hóa mà quá trình sinh bệnh rất phức tạp, do nhiều nguyên nhân chồng chéo, cho đến nay vẫn chưa hiểu rõ. Do đó việc điều trị triệt để còn gặp nhiều khó khăn.
Đây là một bệnh thường gặp, chiếm tỷ lệ cao trong cộng đồng.
Bệnh có thể xảy ra trong bất cứ thời điểm nào trong suốt cuộc đời

SỰ HÌNH THÀNH SỎI
Trong nước tiểu có 95% là nước, 5% còn lại là chất hòa tan hoặc cặn lắng như: Urê, axit uric, oxalat, phosphat, tế bào,…Các chất này, dưới tác động của các yếu tố thuận lợi, lâu ngày sẽ lắng đọng và từ từ tạo thành sỏi. Quá trình hình thành sỏi niệu sẽ trải qua năm giai đoạn: Giai đoạn siêu bão hòa, giai đoạn kết tinh, giai đoạn trầm hiện, giai đoạn tạo nhân và giai đoạn kết tụ.
YẾU TỐ THUẬN LỢI TẠO SỎI
Có một vật làm nhân bên trong để các tinh thể bám vào tạo sỏi như: xác vi khuẩn, mô xơ, vật lạ,….
Bế tắc đường tiểu (thường do viêm nhiễm, phù nề, hẹp, dị dạng đường tiểu,…) làm giảm lưu thông dòng chảy, dễ cặn tạo sỏi.
Thể tích nước tiểu giảm do cơ thể mất nước, nước tiểu sẽ cô đặc tạo sỏi.
Độ pH nước tiểu thay đổi.
Tăng tỷ lệ các chất tạo sỏi trong máu: canxi, oxalat, urat, phosphat, cystein,.. do các bệnh rối loạn chuyển hóa gây ra như: gout, cường tuyến cận giáp, bệnh cystin niệu,…
TRIỆU CHỨNG
Sỏi niệu tùy vị trí, tính chất, hình dạng, kích thước mà có thể có một hoặc nhiều triệu chứng lâm sàng như sau:
Đau lưng: đau âm ỉ, đôi khi đau quặn từng cơn, lan xuống dưới và ra trước đến bộ phận sinh dục.
Tiểu buốt, gắt.
Tiểu ngắt quãng nếu sỏi ở bàng quang.
Bí tiểu nếu sỏi kẹt ở niệu đạo.
Tiểu mủ, tiểu máu.
Tuy nhiên, một số trường hợp sỏi niệu, thậm chí là sỏi thận rất lớn cũng không có triệu chứng, chỉ phát hiện tình cờ.

BIẾN CHỨNG CỦA SỎI
Sỏi để lâu ngày không điều trị sẽ có các nguy cơ: gây bế tắc đường tiểu, tăng nguy cơ nhiễm trùng, điều trị phức tạp hơn và sẽ làm suy thận sau này.
Dù ở vị trí nào, sỏi cũng gây tác hại nhiều hình thức mà biến chứng nguy hiểm nhất là SUY THẬN.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ SỎI
1/Điều trị nội khoa:
Áp dụng đối với sỏi thận không bế tắc, không gây triệu chứng, không nhiễm trùng, kích thước sỏi nhỏ dưới 5mm ở niệu quản hoặc trong đài thận.
2/Nội soi tán sỏi:
Đối với sỏi thận, niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo, dùng máy nội soi đặt từ lỗ tiểu ngoài đưa vào trong niệu đạo, đi ngược lên trên niệu quản, thận đến vị trí có sỏi và tán sỏi bằng xung hơi, siêu âm hoặc laser.
3/Phẫu thuật nội soi hông lưng lấy sỏi:
Đối với sỏi ở niệu quản đoạn trên và có kích thước lớn, rạch 3 hay 4 lỗ nhỏ ở hông lưng (mỗi lỗ khoảng 5-10mm), qua đó đưa dụng cụ nội soi vào mở niệu quản lấy sỏi.
4/Lấy sỏi thận qua da:
Áp dụng đối với sỏi thận lớn hơn 2cm. Dùng máy nội soi từ bên ngoài qua vết rạch nhỏ thành lưng vào đến trong thận dùng laser, sóng siêu âm để tán sỏi.
5/Tán sỏi ngoài cơ thể:
Đối với sỏi thận hoặc sỏi niệu quản đoạn trên kích thước nhỏ hơn 2cm. Máy tạo ra các sóng chấn động truyền vào cơ thể tập trung tại vị trí viên sỏi và làm tan sỏi. Bệnh nhân thực hiện phương pháp này không có vết mổ trên cơ thể và xuất viện trong ngày .
6/Mổ mở:
Đối với sỏi lớn, phức tạp và đã có biến chứng như: suy thận, nhiễm trùng,…hoặc khi các phương pháp khác không hiệu quả
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN & PHỤC VỤ LIÊN HỆ
BS CKII NGUYỄN ĐỨC HÙNG
0978.706.489